Ngao du khám phá Cồn Qui


Khám phá sông nước - miệt vườn vẫn là đề tài mà nhóm chúng tôi đưa vào tầm ngắm hàng đầu trong hè này. Miền Tây vẫn là nơi thích hợp nhất để chúng tôi chọn làm điểm đến. Nhưng đến Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre hay Vĩnh Long, Trà Vinh..., đó là điều mà cả bọn đều phân vân. Nhưng có lẽ vì cùng chung ý nghĩ, chung sở thích, nên  cả bọn thống nhất chọn xứ dừa Bến Tre.
Chuyến đi này bọn tôi tạm đặt là chuyến "ngao du bụi", nhật ký chuyến đi bắt đầu ghi lúc chúng tôi rời thành phố Hồ Chí Minh từ 8 giờ sáng và khoảng 9 giờ 40 đến cầu Rạch Miễu. Chúng tôi được biết cầu Rạch Miễu đi vào lịch sử nối đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre. Có thể nói đây là dấu ấn, là bước ngoặc, ghi dấu cho nhiều sự phát triển mới trên ba dải cù lao xứ dừa. Cầu Rạch Miễu được xây dựng khá qui mô và đẹp quá!

Qua cầu Rạch Miễu các bạn Bến Tre đón chúng tôi đưa xuống du thuyền để đi đến Cồn Qui. Bắt đầu chuyến hành trình lênh đênh thưởng ngoạn trên sông Tiền, được thư thả hít thở không khí sông nước trong lành thật sảng khoái. Ven sông chúng tôi quan sát thấy toàn là những hàng bần và những rặng dừa nước xanh um. Du thuyền lướt qua Cồn Phụng, là điểm du lịch hấp dẫn được nhiều người biết đến và đã nổi tiếng từ lâu.
Cồn Phụng (ảnh Thanh Trúc)
Cồn Phụng (ảnh Thanh Trúc)
Các bạn Bến Tre đã giới thiệu cho chúng tôi biết: Cồn Qui là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm thập kỷ 1960 nằm trên sông Tiền giữa hai xã Tân Thạch và Quới Sơn, thuộc huyện Châu Thành - Bến Tre. Tư liệu lịch sử ghi lại những người dân đầu tiên đến đây khai hoang đã trồng rất nhiều bần và dừa nước để giữ đất không bị trôi. Hàng năm, nhờ phù sa bồi đắp nên Cồn Qui ngày càng được mở rộng, ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và các loại cây ăn trái có tiếng như: nhãn, sapôchê, bưởi, mận, xoài, mít tố nữ và còn một số cây ăn trái khác...
Đến Cồn Qui chúng tôi được bạn sắp xếp ở tại điểm nhà của một hộ nông dân, là căn nhà tường khá tươm tất và rộng rãi, xung quanh là vườn cây nhãn, sapôchê đã trồng lâu năm, cách trồng thẳng lối trông rất đẹp. Nơi đây còn  là điểm du lịch sinh thái, là điểm của các hãng lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh hàng ngày đưa khách du lịch thập phương đến đây du lịch. Có lẽ vậy, mà nơi đây được trang trí rất bắt mắt. Hàng ngày, điểm này có từ 100 - 150 khách theo tour từ thành phố Hồ Chí Minh đến đây, cao điểm có ngày cả ngàn khách và có rất nhiều khách nước ngoài. Thỉnh thoảng có vài chục đến 100 khách nội địa và cả khách Tây tá túc qua đêm ở đây. Chắc cũng như chúng tôi, những du khách tìm đến đây ngoài mục đích đi du lịch, thì cũng là thích phiêu lưu, mạo hiểm hay khám phá những gì mà họ thích…
Thích thú nhất hiện nay Cồn Qui vẫn còn giữ nét hoang sơ, có nhiều vườn cây ăn trái lâu năm, được trồng theo hàng, theo lối, nên nhìn những vườn cây rất thông thoáng, đẹp mắt. Dưới những tán cây, chủ vườn mắc nhiều chiếc võng để du khách nằm thư giãn, nghỉ mệt, nghỉ mát. Thấp thoáng xen lẫn trong những vườn cây nặng trĩu trái là những mái nhà lá đơn sơ rất dễ thương. Hay khi ngắm nhìn ven sông, rạch chúng tôi bắt gặp những bông bần trắng tím là đà trên mặt nước, đung đưa trong gió, cùng với những rặng dừa nước xanh um chạy dọc triền sông nhìn hút cả mắt. Thỉnh thoảng những làn gió nhè nhẹ thổi qua, làm những tàu lá dừa nước khua rào rạt; rồi những tia nắng xuyên qua kẻ lá của những đám bần, những hàng dừa nước, tạo hình in bóng trên mặt nước sông, rạch, những con sóng nhỏ nhấp nhô, sóng sánh mặt nước, làm nó lung linh lã lơi trên sóng nước, nhìn nó ta thấy ta cảm giác sự yên lành, dịu hiền rất khó tả và thú vị vô cùng.
Bắt cá (ảnh: Thanh Trúc)
Bắt cá (ảnh: Thanh Trúc)
Hứng thú nhất là chúng tôi được hóa thân thành nông dân tham gia hái trái cây tại vườn với chủ nhà, hay thu hoạch những mớ rau vườn để bổ sung thêm vào bữa ăn chiều. Hào hứng với cả bọn là được sống với những phút giây "chân lắm tay bùn" để tát mương bắt cá trong mương vườn. Những cá, tôm, tép bắt được, chúng tôi cùng với chủ nhà chế biến ra những món ăn mang đậm hương vị đồng quê và dân dã mà chúng tôi thích. Thật đầy ý nghĩa và khó quên, trong cuộc vui cùng bè bạn thưởng thức những sản phẩm do chúng tôi góp phần làm ra trong chuyến ngao du ở xứ cồn.
Đêm xuống một chiếc được đò máy nhỏ đưa chúng tôi len lỏi bên những rặng bần để ngắm và bắt đom đóm. Mỗi đứa chuẩn bị một lọ thủy tinh nhỏ và những cái vợt bằng lưới để bắt đóm đóm. Từ nhỏ đến lớn chúng tôi chỉ nghe nói về đom đóm, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Bây giờ được tận mắt chứng kiến, thì khoái chí vô cùng. Trong màn đêm và không gian tĩnh mịch, ánh sáng của bầy đom đóm trên những nhánh bần, màu xanh của lá, trời tối của màn đêm, cả bọn lẳng lặng để thích thú cảm nhận về những hình ảnh ngộ nghĩnh này.
Thỉnh thoảng bởi tiếng đọng của gió hay là quy luật tự nhiên gì đó, mà những con đom đóm le lói ánh sáng cứ di chuyển bay đi, bay lại, rồi đáp vào những nhánh bần, phát ra tia sáng loe lóe, càng nhìn càng thấy lạ mắt và thích vô cùng. Chúng tôi đứa cầm vợt, đứa cầm lọ thủy tinh, bắt từng con đom đóm bỏ vào chai. Vì chưa có kinh nghiệm nên không dễ gì bắt được nhiều đom đóm. Chúng tôi đem các chai lọ chứa những con đóm đóm về chỗ ở, rồi cả nhóm tụ tập dưới những tán cây quanh nhà; tập trung các chai có ánh sáng đom đóm lại và bắt đầu say sưa hát với cây đàn ghi ta mà chúng tôi mang theo.
Điều mà chúng tôi không thể nào quên được là tại Cồn Qui người dân rất nhiệt tình, đôn hậu, mến khách. Khi chúng tôi tổ chức hát hò cũng có sự tham gia của các bạn thanh niên của địa phương và ngay cả chủ nhà họ cũng tham gia hát đôi ba câu vọng cổ hay một vài bài bản nhỏ cải lương rất hay, rất điệu nghệ. Chúng tôi bất ngờ quá, khâm phục họ vô cùng, ban ngày thì họ làm vườn, phục vụ du khách, ban đêm họ cùng tham gia hát dân dã với chúng tôi.
Cả bọn chúng tôi đều thích thú không khí cả ngày, đêm ở đấy rất dễ chịu. Ban ngày khi khám phá hay vui chơi xong, chúng tôi đu đưa nằm nghỉ trên những chiếc võng đã được mắc sẵn duới những gốc cây. Chúng tôi còn khám phá việc nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn, sản phẩm này được cũng trưng bày bán tại chỗ cho du khách và còn bán sang các tỉnh lân cận. Cả nhóm còn tham gia làm kẹo dừa, tráng bánh truyền thống, làm một vài công đoạn hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được bày bán ở đây rất đa dạng, nhiều chủng loại từ những đồ gia dụng đến trang trí…, tất cả đều làm bằng chất liệu dừa, để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Không có thời gian để hòa vào cùng các đoàn khách, nhưng chúng tôi cũng tìm hiểu và dõi theo những chiếc xuồng chèo của các cô thôn nữ mặc áo bà ba chở du khách khám phá sông, rạch của xứ cồn. Hay tại các điểm du lịch, tạm gọi là “nhà hàng” phục vụ ẩm thực ở Cồn Qui, chúng tôi thấy đa số là nhà thủy tạ làm như kiểu các gian nhà sàn rộng rãi, chất liệu bằng tre, lá là chính, nhưng đầy đủ tiện nghi và với những món ăn đặc sản, dân dã, khá hấp dẫn như: Cá bông lau, cá ngát nấu canh chua bần với rau muống đồng, bông súng, rau cải trời hay bông so đũa; cá điêu hồng hấp nấm mối với đọt bí hay bông bí; cá rô, cá kèo, cá lóc, cá trê, cá lòng tong kho tộ hoặc nồi đất hay tép rang dừa.
Ngoài việc thưởng thức các món ăn, tại các gian nhà sàn gió thổi lồng lộng, sảng khoái vô cùng. Từ các gian nhà sàn hướng nhìn ra sông, rạch, sẽ bắt gặp thủy triều lên, xuống hay thư thái ngắm nhìn những hàng bần, những rặng dừa nước, những đám lục bình thả mình trôi theo dòng nước. Thỉnh thoảng  những tàu, thuyền qua lại, tạo nên những đợt sóng mạnh, làm những đám lục bình nho nhỏ nhấp nhô theo sóng dạt vào bờ, rồi nép mình dưới những gốc bần, núm níu hòa nhập vào đám lục bình đã cư ngụ từ trước. Nhìn những đám lục bình đã cư ngụ lâu cho ra những bông lục bình tím ngát rất xinh, nhìn nó chúng tôi thấy lòng mình thanh thản vô cùng.
Trọn vẹn 2 ngày, một đêm chúng tôi cư trú trên đất cồn, tuy chưa có nhiều thời gian để khám phá và diễn tả hết những gì mình yêu thích. Nhưng có lẽ chúng tôi đồng cảm nhận: Cồn Qui – Bến Tre là điểm đến du lịch sinh thái – sông nước – miệt vườn hấp dẫn, bởi nơi đây còn hoang sơ, không khí trong lành, thoáng mát với những vườn cây ăn trái oằn sai trĩu quả và bởi các món ăn dân dã rất hợp khẩu vị…. Và ấn tượng nhất là sự chu đáo, mến khách, sự đôn hậu, chất phác, hiền hành của những bạn Bến Tre, nhất là người dân xứ cồn. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, hài lòng, thích thú cảnh đẹp trữ tình ở đây, những điểm du lịch nép mình trong những bờ sông, rạch bát ngát màu xanh của vùng sông nước xứ cồn. Chúng tôi cũng sẽ nhớ nhiều nhất là được ngắm đom đóm về đêm, những ánh sáng phát ra tự nhiên của nó trong đêm tĩnh mịch rất độc đáo mà không dễ nơi nào có được. Hay chúng tôi cũng đã lắng lòng lại để thưởng thức trọn vẹn những âm thanh ra rả của các loại côn trùng và tưởng tượng như mình được nghe những thanh âm đồng điệu hòa tấu của một khúc nhạc đồng quê.
"Khách sạn nổi" (ảnh: Thanh Trúc)
"Khách sạn nổi" (ảnh: Thanh Trúc)
Chúng tôi được biết, hiện Cồn Qui có cơ sở lưu trú qua đêm (còn gọi là khách sạn nổi) được thiết kế trên những bè nổi nằm trên sông Tiền, đoạn sông thuộc xã Quới Sơn – Châu Thành – Bến Tre. Điểm nghỉ này được đầu tư đầy đủ tiện nghi như khách sạn trên bờ. Nghỉ tại đây ban đêm du khách sẽ có thú vui câu cá, nghe đàn ca tài tử và sẽ bắt gặp cư dân khai thác đánh bắt tôm, cá tự nhiên về đêm trên sông Tiền.
Tạm biệt nhé Cồn Qui! Những gì khám phá trải nghiệm ở nơi này tất cả chúng tôi sẽ luôn nhớ mãi và xem nó như một trong những hành trang, để làm phong phú thêm cho cuộc sống. Những gì chưa khám phá được, chúng tôi hẹn một ngày không xa sẽ trở lại tìm hiểu những điều mới mẽ hơn, độc đáo hơn và thú vị hơn trên đất Cồn Qui.
Theo sovhttdl.bentre.gov.vn

0 comments

0 comments

Quảng cáo vị trí Bài mới đăng (590x100px)