Hòn Sơn - Kiên Giang: Non nước hữu tình
Từ bến cảng Rạch Giá, theo tàu khách vượt biển lúc 9 giờ sáng thẳng về hướng Tây, hoặc bạn có thể đi tàu tốc hành, tàu chạy khoảng 30 km là đến Hòn Tre, từ đó đi chếch về hướng Nam gần 30 km là đến Hòn Sơn.
Hòn Sơn còn có tên là Hòn Sơn Rái, trước đây hòn này có nhiều rái cá sinh sống. Hòn có nhiều thắng cảnh trên rừng lẫn dưới biển, có nhiều bãi tắm thơ mộng với cát mịn như pha lê. Hòn Sơn có: bãi Giếng, bãi Bấc, bãi Bàng, bãi Nhà và bãi Thiên Tuế.
Trong các bãi, bãi Bàng là bãi cát đẹp, thích hợp để tắm biển, vừa sạch sẽ, phong cảnh lại trữ tình. Đặc biệt, ở bãi Bàng có dòng suối tiên chảy từ Ma Thiên Lãnh xuống làm dòng nước trở nên ngọt trước khi thông ra biển.
Bãi nhà Hòn Sơn
Ngoài ra, ở đây còn có nhiều di tích văn hoá lịch sử giá trị như Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân ở bãi Thiên Tuế, có thờ cặp xương hàm cá ông, mỗi cái dài 2,2 m, bề ngang 20 cm. Tại bãi Nhà có Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, Hải Sơn tự.
Hòn Sơn hiện nay có 2.014 hộ dân. Diện tích tổng thể 1.095 ha. Đặc thù là xã đảo có 70% hộ dân làm nghề biển và 30% làm rẫy, mua bán nhỏ, làm dịch vụ, còn lại một số nhà chế biến nước mắm. Hòn Sơn là địa phương nổi tiếng với sản vật nước mắm thơm ngon. Trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:
Nước mắm hòn dầm con cá bẹ
Bởi mê nước mắm hòn, trốn mẹ theo anh
Ma thiên lãnh
Là đỉnh đồi nổi tiếng với độ cao 450 m so với mặt biển, đỉnh núi này gắn liền với những câu chuyện thần tiên đậm chất thơ và cả những câu chuyện ngày nay. Có hai con đường lên Ma Thiên Lãnh, con đường thứ nhất bắt đầu từ bãi Nhà lần theo hàng trăm bậc cấp nằm giữa các rẫy của dân. Đường thứ hai cách bãi Nhà 2 km đi bằng bậc cấp mà lên đỉnh.
Trên ngọn Ma Thiên Lãnh có tảng đá bằng phẳng ngang chừng 50 m, dài chừng 100 m, độ dốc khoảng 200 m. Nơi đây không có cây mọc, tương truyền, tiên thường xuống dạo chơi nên được gọi là “sân tiên”. Trên sân tiên gió thổi vi vu đến mát lạnh. Nơi đây có nhiều dấu tích các “đạo sĩ, dị nhân” còn khắc ghi trên đá tên tuổi, ngày đến, ngày đi, số năm tu.
Phật lộ thiên
Vào năm 1974, bà con khiêng tượng Phật lên đồi Ma Thiên Lãnh, tượng Phật nặng trên 100 kg. Phần gánh nặng, đường đi toàn gộp (hang đá cheo leo), bà con gánh hết nổi nên để nằm trên đá lộ thiên tại “hang Heo”. Các sư sãi thấy Phật ngồi chơ vơ trên đá bèn đem mấy cây bồ đề lên trồng. Sau cơn bão số 5, bà con đem cây, xi-măng, tol lên xây dựng ngôi chùa - gọi là Phật Lộ Thiên.
Các núi đồi ở hòn Sơn còn hoang sơ, theo truyền thuyết có nhiều đỉnh núi của dị nhân, các lối đi chỉ là đường mòn, có nhiều nơi phải vạch lối đi. Trong quá trình thám hiểm, bạn phải có người địa phương dẫn đường và nhớ đi giầy gọn nhẹ cũng như mang theo nước uống và thức ăn.
Theo Phước Hưng (Cà Mau Online)
0 comments